Trang chủ Kiến thức mon Tư vấn Tại sao lại là tháp hồng mà không phải tháp xanh, nâu, tím hay gỗ mộc?

Tại sao lại là tháp hồng mà không phải tháp xanh, nâu, tím hay gỗ mộc?

Không lớp học Montessori nào lại không có tháp hồng.
 
Tháp hồng có lẽ là một giáo cụ điển hình và rất được nhiều người yêu thích trong số các giáo cụ Montessori. Tháp hồng được chính Maria Montessori thiết kế. Trải qua nhiều năm giáo cụ này không hề thay đổi và bạn sẽ nhìn thấy nó ở mọi lớp học Montessori trên khắp thế giới. Tháp hồng gồm 10 khối gỗ hình lập phương, với thể tích từ 1cm tới 10cm, mỗi chiều 1cm tới 10cm.
 
Vậy ra nó chỉ là một đống gỗ thôi hả?
 
Khi nhìn thấy tháp hồng nhiều khả năng bạn sẽ nói “vậy ra nó chỉ là một đống gỗ” nhưng giáo cụ này có nhiều ý nghĩa hơn thế. Tháp hồng là một giáo cụ được thiết kế một cách khoa học, và được đặt trong góc Giác quan. Tiến sỹ Montessori đã tin tưởng rằng công việc trong góc giác quan sẽ khơi dậy khả năng tự mài giũa các giác quan của trẻ, giúp trẻ hiểu một cách rõ ràng cụ thể về những gì tụi nhỏ thấy, cảm nhận được, sờ vào hoặc ngửi thấy, và sau đó là giúp ích cho sự phát triển của trí tuệ.
Có một điều quan trọng là, các khối lập phương của Tháp hồng đều cùng màu, cùng hình thức và kết cấu. Điều này giúp trẻ tập trung vào một điểm quan trọng của giáo cụ là – các kích thước của chúng!
Tháp hồng tập trung vào mục tiêu tinh luyện thị giác của trẻ bằng cách nhận biết sự khác nhau của các chiều kích thước. Khi một đứa trẻ bắt đầu cầm từng khối lập phương (bắt đầu từ khối nhỏ nhất) tới chiếc thảm, em có thể cảm nhận được khối lượng và mức độ tăng dần của mỗi kích thước. Khi trẻ xây tháp, em sẽ tinh luyện những vận động vô thức. Trẻ học cách tự kiểm soát bản thân bằng việc thực hiện những hoạt động cần tới sự chính xác và chi tiết.
 
Khi đứa trẻ lần đầu cố gắng thử xây Tháp hồng, trẻ có thể không làm “chuẩn chỉnh” ngay được, có thể trẻ cũng không tài nào kiểm soát được ngay những vận động của mình. Nhờ được cho phép lặp đi lặp hành động và phát triển dần dần sự phối hợp của tay và mắt, đứa trẻ có thể di chuyển bàn tay, cánh tay, ngón tay và dịch chuyển chính xác hơn. Đây chính là điểm mấu chốt của việc tự kiểm soát. Khi đứa trẻ làm chủ các kỹ năng của mình, chúng sẽ làm chủ được bản thân và làm chủ được hành động.
Khi sử dụng những đồ dùng trực quan như vậy, đứa trẻ có thể tự đánh giá xem mình đã xây đựng tháp hồng hay chưa. Đây cũng chính là nội dung khái niệm thuật ngữ Kiểm soát lỗi trong Montessori, giúp trẻ nhận ra cái gì chưa đúng và tự sửa được sai lầm. Khi tự mình sửa sai, đứa trẻ sẽ tích lũy và phát triển sự tự lập và tự tin.
 
SỰ CHUẨN BỊ CHO NGÔN NGỮ VÀ TOÁN HỌC
 
Tháp hồng là một bài học chuẩn bị gián tiếp cho Toán và Ngôn ngữ. Nó cũng là bài học chuẩn bị cho khả năng viết khi mà trẻ có thể sử dụng 3 ngón tay để giữ chặt khối tháp hồng khi di chuyển. Thông qua phần mở rộng với ngôn ngữ, từ vựng mới sẽ được giới thiệu tự nhiên với trẻ, từ khối to, khối nhỏ, khối to hơn, khối to nhất. Nó cũng hỗ trợ tính tò mò khám phá môi trường của trẻ để tìm hiểu thêm về những thứ to, nhỏ và cái nào to hơn cái này. Nó cũng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ miêu tả cho sự vật trong môi trường.
 
Tháp hồng cũng chuẩn bị cho trí não toán học.
 
Giáo cụ này chuẩn bị gián tiếp cho nhận biết về hệ thập phân khi đứa trẻ làm việc với 10 khối lập phương đại diện cho lượng từ 1 đến 10. Bài học này cũng liên quan tới hình học khi mà trẻ khám phá các khối lập phương đồng chất nhưng có các kich thước và thể tích khác nhau. Chúng ta không giới thiệu các khái niệm này với trẻ nhưng chúng sẽ được thấm hút nhờ Trí tuệ thẩm thấu (lại thêm một khái niệm đặc trưng nữa của Montessori).
 
Ai mà nghĩ được một giáo cụ đơn giản như thế này lại có thể giới thiệu được chừng ấy khái niệm tới một đứa trẻ cơ chứ!
Vâng, vậy thì một lần nữa, tại sao lại là Tháp Hồng?
 
Để trả lời cho bí ẩn cả thế kỷ này rằng tại sao Tháp Hồng lại màu hồng thì hãy xem lại các tài liệu được bà Maria ghi chép lại. Bản thân bà đã thử nghiệm rất nhiều màu sắc cho Tháp Hồng và bà nhận ra rằng so với các màu khác, màu hồng là màu cuốn hút các em bé nhất. Và giờ mọi người có thể đã hiểu vì sao chỉ từ những khối lập phương đơn giản này lại kỳ diệu như thế nào, có ai mà không bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp và sự tinh tế của nó cơ chứ?
 
“Đứa trẻ làm chủ được hành động của mình qua những hoạt động lặp đi lặp lại kéo dài, đứa trẻ được khuyến khích làm điều đó vì niềm yêu thích và sự mãn nguyện với những hoạt động mà em được gắn kết, là một em bé sẽ tràn đầy sức khỏe, niềm vui thích và sẽ nổi bật vì sự bình tĩnh và kỷ luật của em (Maria Montessori, Khám phá trẻ thơ, Clio Press, 1992).
 
*Chú giải thêm của mình về màu hồng trong tâm lý học. Màu hồng trong Tâm lý học là màu của sự ngọt ngào, tĩnh tâm và bình yên. Màu hồng là màu chống lại sự giận dữ và bạo lực. Một nhà tù ở Mỹ đã từng dùng màu hồng trong một số thí ngiệm trị liệu để giúp tù nhân bình tĩnh hơn.
Màu hồng còn là màu của tử cung mẹ, giúp em bé thấy ấm áp và an nhiên.
 
#tháp_hồng_montessori
#montessori

Bình luận